Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng (giai đoạn 1). Đây là dự án trọng điểm của TP nhưng đã kéo dài nhiều năm. Trong ảnh là cống Mương Chuối – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là một bước tiến đáng kể, cho thấy nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng và phối hợp giữa các bộ, ngành đã có hiệu quả. Dù đến cuối năm vẫn còn khoảng 600.000 tỉ đồng cần giải ngân, đà tăng này vẫn đem lại nhiều hy vọng.
Nhưng trong niềm vui ấy cũng không quên nhắc chuyện buồn để quyết tâm thay đổi: tại diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 (ngày 8‑7), Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho hay hiện có 2.887 dự án vướng mắc với tổng vốn đầu tư lên tới 235 tỉ USD và diện tích đất liên quan hơn 347.000ha.
Nhẩm tính thì tổng vốn này suýt soát một nửa GDP năm 2024 của Việt Nam (476,3 tỉ USD) và đây không chỉ lãng phí về tài chính mà còn cho thấy những điểm nghẽn nghiêm trọng trong quản trị, điều hành và cả “chi phí cơ hội” khổng lồ khi thời cơ phát triển bị bỏ lỡ.
Một dự án không tự nhiên ra đời, nó xuất phát từ nhu cầu mở rộng hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng vùng.
Khi khởi công rồi để “đắp chiếu” nhiều năm, tiền nằm im, nguồn nhân lực “treo” theo và hàng loạt cơ hội kinh doanh, việc làm, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.
Trung ương đã xác định chống lãng phí là một mặt trận trọng yếu, song hành với chống tham nhũng và tiêu cực.
Việc khởi tố một số vụ án tham nhũng, thất thoát tài sản công đã thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên xử lý vi phạm chỉ là phần ngọn; gốc rễ vẫn là tình trạng chậm trễ, trì trệ từ khâu lập quy hoạch, phê duyệt đầu tư đến quản lý thực hiện trong thời gian qua.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8% trở lên và hai con số từ năm sau, nghịch lý hàng nghìn dự án “trùm mền” càng làm cho áp lực tăng thêm và càng trở thành một trong những vấn đề cần đặc biệt lưu tâm, xử lý quyết liệt để tránh lãng phí nguồn lực.
Dòng vốn đầu tư công – trụ cột kích thích tăng trưởng – nếu không giải ngân hiệu quả sẽ khiến chính sách kích cầu mất tác dụng, đồng thời làm giảm niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Giờ là lúc phải quyết liệt rà soát toàn bộ các dự án đang nằm bất động, phân loại theo nguyên nhân: vướng pháp lý, thiếu vốn đối ứng, không còn phù hợp quy hoạch hay năng lực chủ đầu tư yếu kém…
Với dự án còn giá trị thực tiễn cần mạnh dạn tái cơ cấu, chuyển đổi sang mô hình đầu tư, dự án không phù hợp hãy mạnh tay loại bỏ, tránh tâm lý “ôm mãi để đó” vì sợ trách nhiệm.
Song song với việc xử lý hậu quả, thể chế cũng phải được hoàn thiện để tránh lãng phí ngay từ đầu: mỗi quyết định đầu tư công không thể là cuộc đánh cược mơ hồ, mỗi đồng vốn phải có “địa chỉ”, đi kèm cam kết tiến độ và trách nhiệm rõ ràng.
Chỉ khi vốn công được sử dụng thật sát, đúng nơi, kịp thời thì cơ hội đầu tư mới chuyển hóa thành công trình mang lại lợi ích thiết thực, lan tỏa giá trị cộng đồng.
Khi đó chúng ta mới đủ sức chạm đỉnh tăng trưởng bền vững, vững chãi hơn thay vì việc vừa bơm vốn vừa để chảy tràn lãng phí, đặc biệt là phí cơ hội cho những dự án “đúng người, đúng thời điểm, đúng nhu cầu, đúng hiệu quả, đúng tiến độ” khác.