Dòng tiền nửa cuối năm: Từ trú ẩn sang tái cơ cấu tài sản
Nửa cuối năm 2025 không phải là giai đoạn dành cho những người tìm kiếm sự “an toàn tuyệt đối”. Nhà đầu tư không còn chỉ phòng thủ mà chuyển sang tái đầu tư, tái cấu trúc vốn, tái phân bổ chiến lược.
Trong nửa đầu năm 2025, các kênh đầu tư chứng kiến sự phân hóa rõ nét khi thị trường tài chính toàn cầu biến động khó lường và tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng do biến số thuế quan từ Mỹ.
Giá vàng miếng SJC trong nước đã tăng hơn 40% so với đầu năm, vượt 120 triệu đồng/lượng, mức giá này đưa vàng trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng tiền đầu cơ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán dù có nhiều phiên rung lắc nhưng vẫn ghi nhận mức tăng gần 9% từ đầu năm đến nay, cho thấy niềm tin dần trở lại.
Kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, vốn bị đánh giá kém hấp dẫn do mặt bằng lãi suất thấp vẫn ghi nhận lượng tiền gửi kỷ lục – hơn 15 triệu tỷ đồng, phản ánh tâm lý “an toàn là trên hết” của phần đông người dân. Cùng lúc đó, thị trường bất động sản cũng bắt đầu hồi phục sau thời gian dài trầm lắng, nhưng diễn biến thận trọng và mang tính chọn lọc hơn so với các chu kỳ trước.
Giữa bối cảnh dòng tiền đang phân vân, nhà đầu tư cá nhân đang có nhiều lựa chọn nên tiếp tục chờ đợi, “neo” tiền ở nơi an toàn, hay phân bổ vào những kênh sinh lời cao hơn nhưng tiềm ẩn rủi ro.
Kênh tiết kiệm, đầu tư thận trọng được ưu tiên
Giữa các kênh đầu tư, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên cấp cao, Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, dù vẫn được xem là kênh trú ẩn truyền thống trong thời điểm bất ổn, vàng đang dần mất đi sức hút. Giá vàng hiện dao động trong biên độ hẹp, trong khi hoạt động mua bán vàng tại Việt Nam vẫn bị giới hạn bởi các quy định và hạn mức khắt khe, khiến việc tiếp cận trở nên khó khăn, đặc biệt với các nhà đầu tư có quy mô lớn. Thêm vào đó, rủi ro từ chính sách điều hành thị trường vàng cũng như những tín hiệu can thiệp từ cơ quan quản lý, khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn đứng ngoài cuộc chơi. Trong bối cảnh đó, vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn như trước.
Trước những bất ổn vẫn hiện hữu trong kinh tế toàn cầu, xu hướng đầu tư “phòng thủ” tiếp tục chiếm ưu thế. Dù mặt bằng lãi suất đang duy trì ở mức thấp, tiền gửi ngân hàng vẫn là lựa chọn chủ yếu của phần lớn nhà đầu tư cá nhân, nhờ tính an toàn và thanh khoản cao.
Bên cạnh đó, một phần dòng tiền bắt đầu quay lại với thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thay vì đầu tư quy mô lớn hoặc theo tâm lý “bắt đáy”, các nhà đầu tư đang thận trọng hơn, nghiêng về chiến lược đầu tư chọn lọc, ưu tiên “lướt sóng ngắn hạn” hoặc tập trung vào các phân khúc có tiềm năng thực tế rõ ràng.
Trong bối cảnh thị trường chứa đựng nhiều yếu tố khó lường từ lạm phát, địa chính trị đến biến động tỷ giá hay điều hành vĩ mô, ông Huân khuyến nghị nhà đầu tư nên xây dựng chiến lược phòng ngừa rủi ro thông minh. Đặc biệt, nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ” cần được ưu tiên hàng đầu. Việc phân bổ danh mục hợp lý giữa các kênh như cổ phiếu, bất động sản, tiền gửi và một phần nhỏ vào vàng (nếu có điều kiện tiếp cận thuận lợi) sẽ giúp bảo toàn vốn và tạo dư địa sinh lời dài hạn.
Nhà đầu tư cũng cần cập nhật thường xuyên các thay đổi chính sách về thuế, pháp lý, quy hoạch và tín hiệu điều hành từ Chính phủ để có những điều chỉnh kịp thời, tránh bị động trước các biến động lớn của thị trường.
Chứng khoán dẫn dắt dòng tiền
Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh đánh giá, thị trường chứng khoán đang nổi lên như kênh đầu tư có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất trong nửa cuối năm 2025. Chứng khoán là kênh phản ánh trực tiếp kỳ vọng của nền kinh tế và đã chứng minh khả năng chống chịu trước nhiều rủi ro trong nửa đầu năm, bao gồm cả những yếu tố bất lợi từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Ngược lại, giá vàng liên tục lập đỉnh trong năm nay khiến biên lợi nhuận kỳ vọng từ kênh này sụt giảm rõ rệt. Khi vàng đã trở nên quá đắt đỏ, tâm lý nhà đầu tư cũng có xu hướng dịch chuyển, tìm kiếm những cơ hội đầu tư sinh lời tốt hơn.
Đà tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới cũng góp phần làm thay đổi khẩu vị rủi ro của thị trường. Tâm lý chuộng an toàn từng thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào vàng và tiết kiệm đang dần lắng xuống, nhường chỗ cho sự quan tâm trở lại với các kênh đầu tư chủ động hơn như chứng khoán và bất động sản.
Từ trú ẩn sang chủ động tái cơ cấu tài sản
Ông Nguyễn Quang Huy – CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi – cũng cho rằng, trong bối cảnh giá vàng đã tiệm cận vùng đỉnh lịch sử toàn cầu, động lực tăng giá mới đang suy giảm dần. Việc các xung đột địa chính trị lớn trên thế giới dần đi vào quá trình đàm phán khiến dòng vốn trú ẩn có xu hướng rút dần khỏi kim loại quý. Bên cạnh đó, kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về việc mở sàn giao dịch vàng, xóa thế độc quyền của SJC và thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, cũng làm giảm tính đầu cơ và hạn chế sức hút của vàng miếng trong nước. Tất cả những yếu tố này khiến thị trường vàng trong nửa cuối năm chuyển từ “tăng trưởng nóng” sang “giai đoạn tích lũy” để xác lập xu hướng trung – dài hạn tiếp theo. Mặc dù vậy, vàng vẫn là một phần quan trọng trong danh mục phòng thủ, nhưng không còn phù hợp để đầu cơ ngắn hạn trong giai đoạn này.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán và bất động sản đang mở ra chu kỳ mới với kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ hơn. Chứng khoán được hưởng lợi từ sự ổn định vĩ mô, mặt bằng lãi suất thấp, chính sách hỗ trợ thị trường vốn và đặc biệt là dòng vốn ngoại quay trở lại mạnh mẽ khi tiến trình nâng hạng thị trường dần về đích. Những ngành có nền tảng vững, hưởng lợi từ tiêu dùng, chuyển đổi số, tài chính và sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền chủ động.
Thị trường bất động sản, sau giai đoạn điều chỉnh sâu, đang có dấu hiệu tạo đáy rõ ràng hơn, đặc biệt ở phân khúc nhà ở thật, pháp lý đầy đủ, có vị trí tốt. Dòng tiền bắt đầu quay lại tìm kiếm giá trị thực, thay vì đầu cơ theo chu kỳ. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn hiện diện với những dự án thiếu minh bạch hoặc đòn bẩy tài chính cao, đòi hỏi nhà đầu tư phải chọn lọc kỹ lưỡng.
Cuối cùng, trái phiếu doanh nghiệp – nếu được phát hành bởi các doanh nghiệp có thương hiệu, tài sản đảm bảo rõ ràng, và minh bạch tài chính – vẫn là một kênh đầu tư hợp lý, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm chưa thực sự hấp dẫn trở lại.
Theo ông Huy, nửa cuối năm 2025 không phải là giai đoạn dành cho những người tìm kiếm sự “an toàn tuyệt đối”. Nhà đầu tư không còn chỉ phòng thủ mà chuyển sang tái đầu tư, tái cấu trúc vốn, tái phân bổ chiến lược. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần liên tục cập nhật kiến thức về đầu tư, quản lý tài chính, quản trị… để phân bổ danh mục hợp lý.
Vàng và ngoại tệ hút dòng tiền
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng – dự báo, trong nửa cuối năm 2025, giá vàng thế giới có khả năng trở lại mốc 3,500 USD/oz và thậm chí có thể vượt ngưỡng 4,000 USD/oz nếu căng thẳng địa chính trị, lạm phát toàn cầu và chính sách tiền tệ của Mỹ tiếp tục gia tăng bất định. Trong kịch bản này, vàng sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu nhờ tính an toàn và khả năng sinh lời cao.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng tối thiểu 5% trong năm nay, có thể cao hơn nếu dự trữ ngoại hối tiếp tục suy giảm hoặc nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu giảm mạnh do tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Đây là yếu tố khiến kênh nắm giữ ngoại tệ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư cá nhân có điều kiện tiếp cận thị trường này.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ đối mặt với áp lực điều chỉnh và biến động mạnh. Dòng vốn ngoại – cả trực tiếp (FDI) lẫn gián tiếp (FII) – có thể bị rút ra nếu điều kiện đầu tư trở nên bất lợi hơn, nhất là sau khi Mỹ áp thuế với hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư mà còn tác động tiêu cực đến cổ phiếu xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số chung của thị trường.
Tiền gửi ngân hàng, về bản chất, vẫn là kênh đầu tư an toàn, lại đang có mức lãi suất thực thấp, không đủ hấp dẫn so với các kênh có tính đầu cơ cao như vàng hay ngoại tệ. Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh sang những kênh có tiềm năng sinh lời cao hơn, mang tính chất đầu cơ như vàng, ngoại tệ.
Đối với bất động sản, nhiều yếu tố cho thấy thị trường vẫn còn khó khăn, nhất là khi so với mức sinh lời kỳ vọng từ các kênh đầu tư khác. Thanh khoản yếu, tín dụng bị siết, giá nhà cao và nợ xấu gia tăng là những rào cản lớn khiến bất động sản chưa thể khởi sắc mạnh trong ngắn hạn. Do đó, bất động sản khó có thể là kênh đầu tư hấp dẫn ở hiện tại.
– 12:00 14/07/2025