Ông Trần Hoàng Sơn: VN-Index có thể chạm 1,500 – 1,550 điểm vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau
Chia sẻ tại chương trình VPBankS Talk #5, các chuyên gia đã đưa ra những dự báo về tình hình vĩ mô 6 tháng cuối năm. Về thị trường chứng khoán, theo ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS, VN-Index có thể chạm 1,500 – 1,550 điểm trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Ông Nguyễn Xuân Thành (trái) và ông Trần Hoàng Sơn (giữa) chia sẻ tại chương trình VPBankS Talk #5 – Ảnh: Huy Khải
Thuế quan không khiến vị thế của Việt Nam kém quan trọng hơn
Tóm tắt bối cảnh vĩ mô 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên chính sách công, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, nếu chỉ nhìn trên khía cạnh tác động thuế quan đến Việt Nam, tính tiêu cực dễ cảm nhận được, tăng trưởng toàn cầu sẽ suy giảm trong cả nửa cuối 2025 lẫn 2026.
Thế nhưng những gì xảy ra gần đây thì lại cho thấy sự tích cực tăng lên, ở một số khía cạnh, đặc biệt đối với Việt Nam. Thứ nhất, mức thuế với Việt Nam ngay cả ở kịch bản xấu vẫn hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài so với các nước cùng khu vực. Thứ hai, chính sách thuế tập trung vào một số ngành hàng mà Chính quyền Trump sẽ bảo hộ, gồm xe hơi, thép, nhôm. Bản thân các mặt hàng đó Việt Nam không xuất khẩu nhiều sang Mỹ. Thứ ba, đàm phán chi tiết vẫn đang diễn ra, rất có thể nhiều mặt hàng chiến lược của Việt Nam sẽ chịu thuế thấp hơn 20%.
Trước đây, thế giới có thuật ngữ Trung Quốc + 1 thì sắp tới sẽ là Trung Quốc +2, 3, 4… bởi các tập đoàn lớn phải chọn nhiều địa điểm hơn, sẵn sàng hi sinh tính hiệu quả, chi phí giàn trải hơn và cao hơn, hướng đến cả Đông Nam Á, Nam Á, Bắc Mỹ, châu Âu… Do đó, dòng vốn FDI sẽ giàn trải. Nhưng nói gì đi nữa, dù Trung Quốc cộng mấy thì vẫn sẽ có Việt Nam trong đó.
Ông Thành cũng chia sẻ về một nghiên cứu gần đây, rằng Việt Nam nếu cứ lắp ráp gia công, nhập từ các nước châu Á, sau đó lắp ráp và xuất đi là không có thặng dư. Sắp tới, có thể Việt Nam sẽ sản xuất linh, phụ kiện… có giá trị gia tăng cao hơn, đó là một cửa ra cho Việt Nam trong dài hạn.
Liên quan đến dòng vốn FDI trong thời gian tới, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho rằng, trước đây với “Trump 1.0” thì FDI chuyển dịch rất nhanh sang Việt Nam, đặc biệt từ Trung Quốc, mang tính chất cơ học để giảm thiểu yếu tố khó khăn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, giai đoạn tới đây FDI có sự thay đổi chất lượng nhiều hơn, không chỉ hướng đến nhân lực giá rẻ… mà còn là chuyển dịch công nghệ như AI, sản xuất chip, mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao. Do đó, chất lượng FDI sẽ khác. Thứ hai, những mặt hàng trung chuyển bị đánh thuế cao, nên phải tăng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam cao hơn.
Ông Thành nhấn mạnh, thời gian tới, Singapore sẽ tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, nhưng không phải hoàn toàn từ Singapore, mà là nhiều nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Chấp nhận tỷ giá biến động cao trong bối cảnh mới
Về tỷ giá, ông Thành đánh giá khả năng các áp lực sẽ nhẹ đi, vẫn có kịch bản VNĐ sẽ không mất giá so với tiền USD. Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất 2 lần, nhưng Việt Nam sẽ không hạ lãi suất khả năng cao sẽ xảy ra. Nếu có phải tăng lãi suất thì sẽ tăng thanh khoản, còn ngược lại sẽ không có trường hợp giảm lãi suất.
Còn theo ông Trần Hoàng Sơn, trong 6 tháng đầu năm, các nhà nhập khẩu thúc đẩy hoạt động, tăng đến 18% trong khi xuất khẩu chỉ 14%, tạo áp lực lên tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động điều tiết tỷ giá liên ngân hàng lên mức cao mới.
Các yếu tố khác tác động lên tỷ giá là chênh lệch lãi suất và tâm lý của nhà đầu tư trong nước trước các yếu tố rủi ro.
Hiện tại, áp lực cao nhất đã qua đi và dự báo trong 6 tháng cuối năm tỷ giá sẽ biến động cao nhưng ở mức chấp nhận được, nhưng phải chấp nhận để thích ứng với bối cảnh hoàn toàn mới, hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP 8%.
VN-Index có thể chạm 1,500 – 1,550 điểm
Chia sẻ tại chương trình, ông Trần Hoàng Sơn nhắc lại năm 2024 khi thị trường chứng khoán Mỹ rất hấp dẫn, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ, tuy nhiên đầu 2025 các mô hình AI lớn như Deepseek được tung ra với chi phí thấp hơn, những cổ phiếu công nghệ định giá cao, chẳng hạn như Nvidia đã gặp áp lực.
Một yếu tố đáng chú ý khác trong 6 tháng đầu năm nay là việc USD xuống mức rất thấp trong chu kỳ nhiều năm gần đây, tức các tài sản nắm giữ bởi đồng USD kém hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, các thị trường Mới nổi đã tăng rất tốt, dự báo VN-Index cũng sẽ bám sát. Ngoài ra, sức hút của thị trường cũng đang tăng lên, thể hiện qua thanh khoản, tài khoản mở mới. Yếu tố khác là mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định.
Về định giá, P/E của VN-Index hiện tại 13.9 – 14 lần vẫn ở mức thấp, cho thấy còn nhiều dư địa để tăng điểm. Với mức điểm hiện tại, P/E forward chỉ khoảng 10 lần. Cho năm 2026, thị trường còn cơ hội nữa thông qua các thương vụ IPO quy mô ước tính 47.5 tỷ USD, giúp thu hút dòng vốn ngoại.
Yếu tố khác là nâng hạng thị trường, với xác suất 70% vào tháng 9 và 30% phải chờ đến tháng 3/2026. Rõ ràng xác suất cao hơn đang thiên về việc nâng hạng ngay trong năm nay.
Theo ông Sơn, giai đoạn trước, trong và sau khi nâng hạng sẽ thu hút dòng vốn ngoại rất lớn, ước tính 3 – 7 tỷ USD nếu được giải ngân trong thời gian ngắn sẽ tạo ra cú hích lớn.
Trong kịch bản tích cực, thanh khoản thị trường có thể đạt trên 23 ngàn tỷ đồng trong năm 2025 và gần 28 ngàn tỷ đồng trong năm 2026, nếu Việt Nam chính thức được nâng hạng theo FTSE và một vài thương vụ IPO thành công, một số tính năng mới từ hệ thống KRX được triển khai.
Theo ông Sơn, với mức thanh khoản tốt và nhiều câu chuyện tích cực như vậy, VN-Index có thể chạm 1,500 – 1,550 điểm trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
– 17:44 08/07/2025