Thị trường tài chính thêm khó với thuế chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây dậy sóng trước đề xuất mới của Bộ Tài chính về Luật Thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi.
Điểm đáng chú ý là đề xuất mức thuế suất 20% trên thu nhập từ bán chứng khoán sau khi trừ giá mua và chi phí. Phương án này thực tế không mới – Luật Thuế TNCN năm 2007 (hiệu lực 2009) từng cho phép tính thuế trên lợi nhuận sau khi cuối năm quyết toán. Tuy nhiên, do vướng mắc thực thi, từ năm 2015 luật thuế thống nhất chuyển sang phương pháp đơn giản: Thu thuế 0.1% trên giá trị mỗi lần giao dịch, bất kể lãi hay lỗ. Nay việc đưa trở lại phương án thuế trên phần lãi với mức 20% khiến dư luận xôn xao về ý đồ của nhà làm luật, nhất là khi dự thảo đã quy định rõ con số 20%, một dấu hiệu cho thấy cơ quan quản lý nghiêm túc cân nhắc áp dụng trong tương lai gần. Bối cảnh hiện nay với hạ tầng số hóa đồng bộ, dữ liệu dân cư liên thông, được xem là thời điểm khả thi để triển khai một hệ thống thuế phức tạp như vậy. Câu hỏi đặt ra là: Việc áp thuế mới sẽ tác động thế nào đến thị trường? Liệu thị trường tài chính Việt Nam bao giờ mới có thể “đi bằng hai chân” ngân hàng và chứng khoán một cách vững chắc trong khi chính sách thuế có nguy cơ làm chùn bước chân thứ hai?
Đề xuất thuế 20% trên lãi chứng khoán: Công bằng hay cản trở thị trường?
Đề xuất áp thuế 20% trên phần lãi chứng khoán ngay lập tức tạo ra luồng ý kiến trái chiều trong giới đầu tư và chuyên gia. Một mặt, nhiều ý kiến ủng hộ vì cho rằng đây là bước tiến văn minh, đảm bảo công bằng thu nhập giữa chứng khoán với các nguồn thu khác. Chẳng hạn, lĩnh vực bất động sản trong cùng dự thảo luật cũng đề xuất tính thuế 20% trên thu nhập chuyển nhượng mỗi giao dịch thay vì mức cố định 2% hiện hành. Xét theo thông lệ quốc tế, thuế suất 20% trên lợi nhuận chứng khoán mà Bộ Tài chính đề xuất được một số chuyên gia xem là phù hợp, hướng nhà đầu tư đến tầm nhìn dài hạn thay vì lướt sóng ngắn hạn.
Ở chiều ngược lại, không ít chuyên gia và nhà đầu tư lo ngại rằng đánh thuế trực tiếp trên lợi nhuận sẽ làm giảm sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam. Vấn đề cốt lõi là việc chuyển từ thuế 0.1% trên giá trị chuyển nhượng sang 20% trên lợi nhuận sẽ làm tăng gánh nặng thuế lên gấp nhiều lần đối với nhà đầu tư có lãi. Sự thay đổi đột ngột này có thể giảm động lực giao dịch, đặc biệt ở nhà đầu tư ngắn hạn. Thanh khoản thị trường vì thế có nguy cơ suy giảm. Thậm chí, một số nhà đầu tư có thể rút khỏi chứng khoán để chuyển sang kênh khác như gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc mua vàng nếu họ cảm thấy gánh nặng thuế chứng khoán quá cao.
Tuy nhiên, nhìn chung các phân tích, tranh luận kể trên hiện vẫn chỉ dừng lại ở giả định, bởi đề xuất mới chỉ dừng lại ở dự thảo và còn chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể dưới luật mới có đủ căn cứ để thực thi. Vì thế, mọi kịch bản tốt/xấu đều có thể diễn ra tùy thuộc vào cách thức thực thi sau này. Điều chắc chắn là cơ quan quản lý sẽ cần cân nhắc rất kỹ lưỡng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách, công bằng thuế với mục tiêu phát triển thị trường vốn. Bởi lẽ, bên cạnh bài toán ngân sách, còn có một bài toán lớn hơn: Làm sao để thị trường tài chính Việt Nam phát triển cân bằng, bền vững với hai trụ vững chãi là hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán?
Thị trường tài chính Việt Nam với hai thái cực
Trong các chiến lược phát triển thị trường tài chính, cơ quan quản lý nhiều lần nhấn mạnh: Thị trường tài chính muốn vững mạnh phải “đi bằng hai chân” – gồm thị trường tiền tệ (các ngân hàng thương mại) và thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu). Thế nhưng thực tế sau gần 30 năm xây dựng, thị trường vốn Việt Nam vẫn là “chân trụ yếu”, trong khi hệ thống ngân hàng thương mại gánh vác phần lớn vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Người Việt Nam hầu như ai cũng sở hữu ít nhất một tài khoản ngân hàng, nhờ nỗ lực tài chính toàn diện những năm qua. Hiện nay, khoảng 90% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng để gửi tiền và thanh toán. Trong khi đó, tỷ lệ người dân đầu tư chứng khoán còn rất khiêm tốn. Hiện cả nước có khoảng 10 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 10% dân số. Số người có tài khoản tại các quỹ đầu tư (như quỹ mở) thậm chí còn ít hơn nhiều. Điều này cho thấy đại bộ phận dân chúng vẫn chưa trực tiếp tham gia thị trường vốn, mà chủ yếu giữ tiền trong ngân hàng dưới dạng tiền gửi tiết kiệm. Hệ quả là Việt Nam nằm trong số ít quốc gia mà kênh vốn ngân hàng lấn át kênh chứng khoán. Hậu quả của cấu trúc này là nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào tín dụng ngân hàng – vốn chỉ thích hợp cho vay ngắn hạn – để tài trợ cho nhu cầu vốn trung dài hạn của doanh nghiệp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
Vì sao thị trường chứng khoán, trái phiếu chưa phát huy vai trò tương xứng? Có nhiều nguyên nhân, nhưng một yếu tố quan trọng là thói quen và tâm lý của nhà đầu tư cá nhân. Từ trước đến nay, người dân gửi tiết kiệm ngân hàng vừa an toàn, lãi suất ổn định lại không phải đóng thuế thu nhập cá nhân trên tiền lãi. Do đó, khi cân nhắc đầu tư chứng khoán, đa số sẽ so sánh với lãi suất tiết kiệm làm “lãi suất kỳ vọng tối thiểu”. Chỉ khi kênh đầu tư khác hứa hẹn lợi suất cao hơn đủ bù đắp rủi ro và chi phí, họ mới chuyển dịch vốn.
Giai đoạn 2018-2021 là minh chứng rõ nét: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ chưa từng có sau nhiều năm “lẹt đẹt”. Một phần nguyên nhân là các ngân hàng thương mại đã tham gia mạnh mẽ vào phân phối trái phiếu doanh nghiệp, quảng bá như một sản phẩm thay thế tiền gửi với lợi tức cao vượt trội (9-12%/năm so với lãi tiết kiệm 6-7%/năm). Bên cạnh lợi tức hấp dẫn, trái phiếu còn được ưu ái bởi thuế thu nhập cá nhân chỉ 5% trên lãi trái phiếu – một mức thuế khá thấp và cố định. Người mua trái phiếu doanh nghiệp lĩnh lãi suất thực nhận sau thuế vẫn cao hơn đáng kể so với gửi ngân hàng, tạo động lực chuyển dịch tiền nhàn rỗi sang kênh này. Kết quả là dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng vọt, từ 9% GDP năm 2018 lên gần 15% GDP năm 2022, trước khi những rủi ro tiềm ẩn dẫn tới giai đoạn điều chỉnh mạnh năm 2022-2023. Trải nghiệm này cho thấy dòng vốn sẽ tìm đến kênh nào có tỷ suất sinh lời sau thuế cao hơn, và chính sách thuế là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến quyết định, điều chỉnh hành vi của người dân.
Tương tự, trên thị trường chứng khoán, chính sách thuế hiện hành đang tương đối ưu đãi và tạo ít rào cản cho người mới tham gia. Thuế đối với chuyển nhượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mở, chứng quyền,… hiện chỉ là 0.1% trên giá trị bán mỗi giao dịch, bất kể lãi hay lỗ. Mức 0.1% này nhỏ đến mức hầu như nhà đầu tư cá nhân không để tâm, coi như một loại phí giao dịch. Nhờ vậy, những năm qua nhiều người dân bắt đầu mạnh dạn mở tài khoản chứng khoán, thử sức với cổ phiếu hoặc góp vốn các quỹ đầu tư, bởi chi phí thuế quá thấp không cản trở kỳ vọng lợi nhuận. Đặc biệt, các sản phẩm như chứng chỉ quỹ mở – ví dụ quỹ trái phiếu hoặc quỹ cổ phiếu do công ty quản lý quỹ vận hành trở thành cầu nối giúp tiền nhàn rỗi từ ngân hàng chảy sang thị trường vốn. Nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ được hưởng lợi tức từ danh mục đầu tư chuyên nghiệp, nhưng khi bán chứng chỉ quỹ cũng chỉ chịu thuế 0.1% giống cổ phiếu (tức phần lãi hầu như không bị “ăn mòn” bởi thuế). Đây là động lực quan trọng để khuyến khích người dân chuyển dần từ gửi tiết kiệm sang đầu tư qua các quỹ, gián tiếp góp phần phát triển thị trường vốn dài hạn. Dòng vốn qua thị trường chứng khoán tăng lên không chỉ giúp doanh nghiệp đa dạng nguồn vốn, mà còn giảm dần gánh nặng cho hệ thống ngân hàng thương mại, làm lành mạnh hơn cấu trúc tài chính quốc gia.
Thuế mới 20% – bước lùi cho “trụ cột” thị trường vốn?
Nếu chính sách thuế chứng khoán mới được thông qua như đề xuất hiện nay, mặc dù có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận gần hơn với các thông lệ quốc tế với các lợi ích dài hạn, tuy nhiên cục diện so sánh giữa kênh đầu tư và kênh tiết kiệm ngân hàng sẽ thay đổi đáng kể – một “bước lùi” của thị trường chứng khoán, không phải là với thông lệ quốc tế mà là với chính “người anh em” – hệ thống ngân hàng thương mại.
Cụ thể, giả sử lãi suất tiền gửi tiết kiệm duy trì không chịu thuế, còn đầu tư chứng khoán (bao gồm cả đầu tư qua quỹ) phải chịu thuế 20% trên phần lãi, thì ưu thế lợi nhuận sau thuế nghiêng hẳn về gửi tiết kiệm trong nhiều trường hợp. Lấy ví dụ một nhà đầu tư bỏ 1 tỷ đồng vào quỹ mở trái phiếu với kỳ vọng lợi nhuận 8%/năm, so sánh với gửi ngân hàng lãi suất 6%/năm. Hiện nay, sau một năm quỹ đạt mục tiêu 8%, nhà đầu tư rút vốn sẽ nộp thuế 0.1% trên giá trị bán (0.1% của 1.08 tỷ = 1.08 triệu đồng). Lợi nhuận ròng nhận về khoảng 79 triệu, so với gửi ngân hàng thu 60 triệu tiền lãi (miễn thuế) – kênh quỹ vẫn hấp dẫn hơn đáng kể. Nhưng nếu áp thuế 20% trên lợi nhuận, với 80 triệu lãi quỹ đầu tư, nhà đầu tư sẽ phải nộp 16 triệu tiền thuế, chỉ còn khoảng 64 triệu thực nhận. Khi đó gửi tiết kiệm 60 triệu không thuế bỗng trở thành lựa chọn gần tương đương, thậm chí an toàn hơn. Rõ ràng, mức thuế 20% sẽ bào mòn phần thưởng cho rủi ro mà kênh đầu tư mang lại, làm giảm tính cạnh tranh so với kênh không rủi ro là tiết kiệm. Đặc biệt đối với các sản phẩm có lợi suất vừa phải như quỹ trái phiếu (thường chỉ nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng 1-2%), việc thu thuế cao có thể khiến nhà đầu tư “chùn bước”. Hệ quả là mục tiêu khuyến khích người dân tham gia thị trường vốn rộng rãi hơn sẽ càng khó đạt được. Hiện nay, tổng quy mô ngành quản lý quỹ của Việt Nam chỉ tương đương quy mô huy động vốn của một ngân hàng tư nhân (khoảng 750 ngàn tỷ đồng).
Cần lưu ý rằng, tại các nước phát triển như Mỹ, Anh,… mặc dù áp thuế trên hầu hết các khoản lợi tức chứng khoán bao gồm cả đầu tư qua quỹ, nhưng đồng thời họ cũng áp thuế lên lãi tiền gửi ngân hàng, tạo nên “sân chơi” công bằng, không thiên vị. Còn ở Việt Nam, nếu vẫn miễn thuế cho lãi tiền gửi tiết kiệm nhưng lại đánh thuế nặng vào chứng khoán, vô hình trung chính sách đang ưu ái kênh ngân hàng thương mại và bất lợi cho thị trường vốn. Trong khi đó, Việt Nam đang rất cần phát triển thị trường vốn để giảm tải rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Cân bằng lợi ích trước ngưỡng cửa mới
Đề xuất thuế chứng khoán 20% trên phần lãi đang đặt thị trường tài chính Việt Nam trước một ngưỡng cửa lựa chọn quan trọng. Một mặt, chính sách thuế mới hứa hẹn tính công bằng và tiệm cận thông lệ quốc tế. Mặt khác, nếu không thận trọng, nó có thể trở thành bước lùi cho mục tiêu phát triển thị trường vốn – vốn dĩ là “chiếc chân” còn yếu cần được nuôi dưỡng. Thiết kế chính sách vì vậy cần đảm bảo hai mục tiêu song hành: Vừa thu thuế hiệu quả, vừa không triệt tiêu động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nên tính đến lộ trình thực hiện phù hợp. Đặc biệt, có thể xem xét miễn hoặc giảm thuế cho một số sản phẩm cần khuyến khích, chẳng hạn như quỹ đầu tư dài hạn, đặc biệt là quỹ mở trái phiếu. Điều này giúp duy trì sức hấp dẫn tương đối của các kênh đầu tư này so với gửi tiết kiệm, tiếp tục định hướng dòng vốn theo chủ trương “đi bằng hai chân”.
Tóm lại, câu chuyện thuế chứng khoán 20% không chỉ là bài toán thu ngân sách, mà còn là phép thử đối với tầm nhìn phát triển thị trường tài chính Việt Nam. Một quyết sách nếu thiếu cân bằng có thể khiến thị trường mãi “đi khập khiễng” với “chiếc chân” ngân hàng quá tải. Ngược lại, nếu biết hài hòa lợi ích, vừa thu thuế đúng, vừa tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán tăng trưởng với đa dạng các sản phẩm đầu tư dài hạn như chứng chỉ quỹ, quỹ hưu trí tự nguyện,… được ưu đãi về thuế thì tương lai thị trường tài chính Việt hoàn toàn có thể “sải bước bằng hai chân” vững chắc, đóng góp tích cực cho nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
– 12:00 24/07/2025