
Thanh khoản thị trường có thể lên 40.000 tỷ đồng/phiên
Trong một vài phiên trở lại đây, khi VN-Index dần tiến đến chinh phục mốc 1.500 điểm thì thanh khoản thị trường cũng bùng nổ. Giao dịch mỗi phiên lên tới 34.000-35.000 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với trung bình những tháng trước đây.
Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng tích cực mua ròng thay vì miệt mài bán ròng. Giá trị mua ròng trong nửa đầu tháng 7 đạt hơn 13.000 tỷ đồng, được đánh giá là tín hiệu tích cực của thị trường.
Tại hội thảo sáng nay (17/7), ông Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) – nói dòng tiền đổ vào thị trường đang tăng rất nhanh, trung bình mỗi phiên có thể lên 40.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã thoát khỏi giai đoạn nghi ngờ, thận trọng ở 2 năm trước đây và bước vào trạng thái lạc quan. Dòng tiền đứng ngoài còn rất nhiều và đang đợi nhịp chỉnh của thị trường.
Cũng theo ông Hoàng, việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 13.000 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 7 chưa giúp dòng vốn đảo chiều. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực này có thể dẫn dắt thị trường vào chu kỳ tăng giá mới.
Cùng với nhiều yếu tố vĩ mô tích cực, tín dụng có thể tăng trưởng 16-18% vào cuối năm nay, CPI và tỷ giá được kiểm soát, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 16-19%, ông cho rằng VN-Index có thể chinh phục vùng 1.600 điểm. Nếu thị trường đã vào pha tăng giá thì chu kỳ tăng diễn ra ít nhất trong 3 quý, kéo dài hơn là 1,5 năm.
Ông Hoàng nhấn mạnh, VN-Index có thể chinh phục vùng 1.600 điểm trong suy luận thị trường chứng khoán ở vùng cận biên. Nếu được nâng hạng, dự kiến vào tháng 9 này, định giá có thể tăng thêm 20%.
Nhóm cổ phiếu tiềm năng mà chuyên gia nêu gồm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng có lưu ý trong sóng lớn, mọi nhóm ngành đều tốt, đặc biệt ngành đi theo và hưởng lợi từ chính sách vĩ mô.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng “nóng”, chuyên gia dự báo có thể chinh phục vùng 1.600 điểm (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Khó khăn nhất là “gồng lãi”
Trong giai đoạn thị trường tăng trưởng “nóng’, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) – nói nhà đầu tư đang nắm giữ những nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, hàng tiêu dùng… và mua được ở vùng giá tốt thì nên để cho lãi “chạy”.
Theo ông, thị trường đang có sự đồng thuận rất lớn, từ dòng tiền, nhà đầu tư nước ngoài, câu chuyện hỗ trợ như thuế quan, nâng hạng nên rất khó đoán cổ phiếu đã tăng hết đà hay chưa. Để tránh việc bán ở lưng sóng, mất lãi của cả giai đoạn lớn sau đó, ông Sơn cho rằng nhà đầu tư nên chịu đựng, bỏ qua những pha “bear trap” (bẫy giảm giá) nhỏ. Trong giai đoạn thị trường đi lên, việc khó khăn nhất là gồng lãi, chứ không phải lỗ.
“Yếu tố “gồng lãi” trong một xu hướng tăng dài hạn là rất khó. Một số nhà đầu tư mua đỉnh, chịu lỗ 10-20% không cắt, nhưng lãi chỉ 5-10% đã chốt rồi. Trong năm nay, uptrend (giai đoạn chứng khoán có xu hướng tăng giá – PV) khá dài và mạnh. Bởi vậy, câu chuyện khoe lãi rất vui, nhưng “gồng được lãi” mới quan trọng”, ông Sơn nói. Nhà đầu tư không cần vội vã chốt lời, bởi từ nay đến cuối năm vẫn có rất nhiều câu chuyện hỗ trợ.
Với nhà đầu tư chưa tham gia thị trường, chuyên gia khuyến nghị cần chờ đợi những nhịp điều chỉnh để có điểm vào tốt. Theo dõi tài khoản cũng là một yếu tố rất quan trọng. Sau giai đoạn tăng “nóng”, nếu đang lãi 40% và sau đó bị bớt lãi 5-7% thì nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý.